Những ngã rẻ trưởng thành và mùi mắm hoài niệm
Nhớ lại lúc hưng thịnh nhất của MẮM BÀ NGOẠI - thương hiệu TÂN HẢI VỊ là năm 2000 – 2006, Cha, Cậu Tư, mẹ Út mua đầm khai thác tôm, nguồn nguyên liệu dồi dào, thành lập Cơ Sở Sản Xuất, rồi gia công giao cho các khu du lịch, có các đối tác nhà hàng đặt cố định ở Sài Gòn: Bình Quới, Văn Thánh, mùa Mắm nhộn nhịp nhất là cuối năm đầu xuân, các người con nhớ quê về tảo mộ, mua mắm Xứ Gò để dành ăn cả năm hoặc làm quà biếu Tết.
Mắm tôm chà Tân Hải Vị - 1998
Bộ mắm quà Tết
Đến lúc tôi và anh chị em bước vào tuổi ẩm ương, tuổi có bạn bè, ham thích nhiều thú vui khác và sinh tật làm biếng, cảm giác chán rất chán khi phải làm Mắm. Đỉnh điểm vào dịp Tết nguyên đán, con nước ba mươi vẫn đầy ắp tôm cá nhưng chợ không họp, không bán ai thì lúc nào cũng phải ở nhà làm MẮM.
Tôi cáu và ấm ức vô cùng, cả năm đã làm mắm rồi mà đến Tết vẫn không được nghỉ. Sợ nhất là tụi bạn ghẹo tôi là “Thảo Mắm”, nên ai biết thì biết chứ tôi chưa bao giờ khoe với ai "nhà tao có Mắm". Tôi cũng hay lấy lời kệ của bà Cố mà thủ thỉ với mẹ "cái đít con mẹ bán dầu thơm hơn đầu bà Mắm, đầu năm người ta mặc áo mới thơm tho, còn mẹ con mình tanh mùi tôm mùi cá…”
Ấy vậy mà… Mùi mắm dân dã năm xưa mà tôi muốn chối bỏ đã lặng lẽ in vào trong tiềm thức. 10 năm xa quê theo đuổi học vấn, đi cùng khắp, đón nhận ánh sáng từ nhiều người, nhiều nơi, nhiều ngành khác nhau. Thưởng thức những món ngon rồi tự so sánh, đối chiếu, tự hỏi lòng tại sao Pháp có pho mát, Nhật Bản có Miso, Hàn Quốc có Kim Chi rồi tôi cũng tự tin chắc chắn rằng Việt Nam có MẮM. Tôi tưởng rằng mình đã quên mùi mắm ấy, nhưng lúc này đã trở về cùng với mênh mang nỗi nhớ.
Tôi nhớ hình ảnh ông Ngoại ngồi xay mắm bằng tay trên cối đá…
Tôi nhớ những buổi trưa Ngoại nằm lót tay làm gối, canh từng mẻ mắm trên mái nhà tôn ...
Tôi nhớ những ân cần, giản dị mà ông bà Ngoại đã dành cho nhau trọn một đời…không quên được lúc ông Ngoại múc cơm, đút từng muỗng cho bà Ngoại vừa làm vừa ăn ở tuổi U80, vừa đút vừa rầy la: “Bà làm mà không biết lo cho cái thân bà!...”
…
Tất cả những ký ức đẹp đẽ ấy đều vấn vương, thơm nồng mùi mắm, hoà quyện vào trong đó những tình cảm chân phương được nối tiếp qua nhiều thế hệ, cho tôi thêm động lực và sức mạnh để quay trở về và bắt đầu lại với nghề làm mắm truyền thống.
Tôi đã đi đúng một vòng tròn cuộc sống để nhận ra giá trị từ luỹ tre làng, nhận ra những tinh hoa trong ẩm thực của xứ Gò quê tôi, nơi mà những món ăn từ thực phẩm lên men bình dị đã sống chan hoà cùng với sức khoẻ con người trong hàng trăm năm qua.
Từ đó, tôi bắt đầu tập trung nghiêm túc về Mắm mang thương hiệu KHỔNG TƯỚC NGUYÊN - tên chữ của Gò Công xưa.
Đi học, tích luỹ trải nghiệm, nhận được biết bao kiến thức từ cộng đồng phát triển Nông nghiệp, Thực Phẩm bền vững từ ngôi nhà chung Phiên Chợ Xanh - Tử Tế, trung tâm BSA Center VietNam, được cô Kim Anh, các Thầy Cô, chuyên gia dạy và chia sẻ tận tình kiến thức và trải nghiệm thực tế. Tôi mới từ từ giải đáp, kết hợp được kiến thức khoa học và kinh nghiệm làm nghề mắm truyền thống từ Mẹ và Bà Ngoại. Tôi giờ đây mới đủ tự tin phát triển dòng “thực phẩm lên men tự nhiên” với Mắm Xứ Gò là sản phẩm chủ đạo.
29 tuổi đánh dấu tôi trở lại Nghề đã in sâu trong tiềm thức, nghề nuôi nấng tạo ra con người tôi hôm nay , sau gần 10 năm quay lại với nghề mắm, cùng với thương hiệu Khổng Tước Nguyên, tôi mong muốn trở thành “thế hệ nối tiếp” của một ngành nghề truyền thống, để giữ hương xứ Gò, lan toả những giá trị tốt đẹp của ẩm thực quê hương, biến Mắm Xứ Gò cũng có thể hoà nhịp trở thành “tấm vé thông hành”, hay “hộ chiếu ấm thực” của Việt Nam ra biển lớn.
Nhưng Mơ Xa chân Đạp Đất, tôi tự hiểu rằng một đứa học trò nhỏ sẽ hết sức khó khăn khi mơ ước làm sống lại những giá trị đang ẩn nhẫn thu mình quá lâu, thậm chí còn quéo quắc, héo khô, teo tóp trước làn sóng Công Nghiệp Hoá. Không thể để lời nguyền theo mãi "cái đít con mẹ bán dầu thơm hơn đầu bà làm Mắm", tôi muốn làm được việc gì đó, tôi muốn sống sót trong thời đại mới, thời Covid để làm sống lại món ông bà dân dã nhưng là khoa học của sự sống. Để sau này vẫn còn một số ít người nhớ đến Mắm Xứ Gò, nhớ đến Khổng Tước Nguyên, nhớ đến sản vật từng Tiến Vua đang bị mất dần bởi biến đổi khí hậu. Dù gia sản Gò Công của chúng tôi trong mười, hai mươi năm nữa có bị nhấn chìm theo dự đoán không, thì tôi chắc rằng tôi sẽ không ân hận vì mình chỉ nghĩ mà không làm!
Hành trình này vẫn còn rất dài và rất xa, tôi và thương hiệu Khổng Tước Nguyên vô cùng non trẻ rất mong nhận được sự thấu cảm và đồng hành bởi các cô chú anh chị của Thảo, của người Gò Công, của gia đình người Việt không chỉ ở Việt Nam.
Lê Ngọc Thảo
MỘT SỐ HÌNH ẢNH NGÀY XƯA CỦA NGUỒN NGUYÊN LIỆU HIẾM HOI CÒN LẠI TỪ NĂM 1999 - 2011
Kobe 07 - cạp đất khai hoang tạo vuông nuôi tôm quảng canh
Cái chòi nhỏ của Cha và Cậu Tư - cái chòi tuổi thơ của các anh chị em nhà Ngoại, cứ hè là được đưa về chòi huấn luyện
Cậu Tư và bác Kiên đứng trên miệng cống đập năm 1999
Cha và bác Kiên ngồi cafe trong mái chòi tranh năm 1999
Cậu Tư và ghe lắc lư trên bãi đăng - những cuộc điện thoại gọi vào bờ điều phối cá tôm
Văng lưới trên bãi đăng theo con nước
Buổi tối tôm cá về cùng người ngư dân cần mẩn